Thị trường tiền điện tử luôn mang đến cho người tham gia những cơ hội sinh lời hấp dẫn, song nó luôn đi kèm với rủi ro. Tận dụng điều này, đã có không ít những mô hình startup tiền điện tử cố tình tạo ra kịch bản lừa đảo hết sức tinh vi, một trong số đó là tiền ảo iFan. Vậy sự kiện iFan đã diễn ra như thế nào?
1. Tiền ảo iFan là gì?
Tiền ảo iFan là dự án tiền điện tử phát hành ICO tại Việt Nam vào năm 2018. Team đằng sau dự án này đã thực hiện ủy quyền cho một công ty tên Modern Tech đại diện pháp lý ở Việt Nam. Đồng thời, Modern Tech cũng tổ chức công khai sự kiện ICO tại TPHCM và Hà Nội.
Trước đó, Modern Tech đã tự PR cho mình rằng Modern Tech là doanh nghiệp chuyên nghiên cứu cũng như ứng dụng hàng loạt những công nghệ mới và hiện đại vào đời sống thực tế. Và với iFan, Modern Tech đã đưa blockchain vào ngành giải trí tại Việt Nam thông qua việc hợp tác cùng công ty iFan tại Singapore.
Công ty Modern Tech cũng cho biết, họ sẽ cùng những công ty công nghệ giải trí tại khu vực hoạt động kết hợp với nhau xây dựng nên một mạng xã hội dành cho những người có tầm ảnh hưởng và tại đó, họ có thể tạo ra một nguồn thu nhập ổn định thông qua những hoạt động như đăng trạng thái, post ảnh, livestream hay bán sản phẩm, phim ảnh hoặc vé sự kiện,… Chưa kể, Modern Tech cũng sẽ phát triển công nghệ blockchain và áp dụng nó vào việc thanh toán cũng như phân phối các nội dung sáng tạo giải trí – một hình thức kiếm tiền mà trước giờ chưa từng xuất hiện tại Việt Nam.
Và cách mà Modern Tech làm là huy động vốn thông qua việc phát hành mã token, đồng thời “hứa hẹn” sẽ xây dựng ra nền tảng riêng phục vụ cho việc quản lý thu nhập và tạo ra các thu nhập thụ động mà đối tượng ở đây là nghệ sĩ tại Việt Nam và những người có tầm ảnh hưởng.
2. Tiền ảo iFan tiếp cận nhà đầu tư như thế nào?
Bên cạnh đồng tiền ảo iFan, Modern Tech còn giới thiệu song song một đồng tiền ảo khác có tên là Pincoin và bắt đầu thực hiện kế hoạch kêu gọi vốn tham gia.
Công ty này đã cam kết cho nhà đầu tư lợi nhuận tối thiểu là 48% mỗi tháng và thời gian để hoàn vốn tối đa là 4 tháng. Bằng cam kết đầy hấp dẫn này, Modern Tech bắt đầu lôi kéo mời gọi người tham gia. Và nếu bạn giới thiệu thêm được bất kỳ ai khác tham gia hệ thống thì bạn sẽ được nhận 8% trên số vốn người tham gia mới đầu tư vào. Điều này tương đối giống với mô hình đa cấp MLM chúng ta thường thấy.
Để được tham gia vào dự án tiền ảo iFan, nhà đầu tư cần phải bỏ ra ít nhất là 1000 USD mua token iFan. Con số này không hề nhỏ, nhưng với những lời dụ dỗ và cam kết lãi khủng, nhiều người đã “dính chưởng”.
Vào tháng 12/2017, công ty Modern Tech đã thực hiện tổ chức sự kiện và thu hút nhiều người tham gia ở Quận 1, TP HCM. Tại đây, Modern Tech đã hứa hẹn thêm nhiều lần về khoản lãi siêu khủng mà những nhà đầu tư khi tham gia sẽ có cơ hội nhận được. Kể từ thời điểm sự kiện cho đến khi mọi chuyện được phát giác thì lượng tiền ảo iFan được phát hành là 21 triệu coin, giá mỗi token là 1,6-2,6 $ và tổng vốn huy động lên đến hơn 30 triệu $.
Tuy nhiên, lãnh đạo của dự án iFan đã đề nghị những nhà đầu tư mua iFan bằng BTC và ETH – 2 đồng coin có giá cao nhất thị trường thay vì mua bằng tiền VNĐ. Để làm được điều đó thì nhà đầu tư phải tự mua BTC và ETH trên những sàn giao dịch tiền ảo, sau đó chuyển tiền vào ví điện tử và mua đồng tiền ảo iFan tại sàn mà dự án này giới thiệu.
Nếu có lợi nhuận thì nhà đầu tư cũng sẽ nhận lợi nhuận bằng iFan, và họ được dự án hứa hẹn là nếu sàn giao dịch sập hay có bất kỳ rủi ro thì sẽ nhận lại 5$ cho 1 iFan. Tuy vậy, sau này người ta đã phát hiện ra iFan chỉ là đồng tiền vô giá trị, không có ý nghĩa kinh tế.
3. Chiêu trò của iFan và Modern Tech:
Dự án tiền ảo iFan và công ty Modern Tech đã mượn danh nghệ sĩ để quảng bá cho mình nhằm tăng độ tin tưởng. Điển hình là nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Lam Trường, 2 trong số nhiều nghệ sĩ bị iFan mượn danh quảng bá để iFan trở nên uy tín hơn trong mắt nhà đầu tư.
iFan đã mời nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đến sự kiện của mình biểu diễn cũng như xuất hiện ở những sự kiện quảng bá. Mục đích có hành động này khiến thêm nhiều người trở nên lầm tưởng những nghệ sĩ này đang hợp tác hoặc làm gương mặt đại diện cho iFan và Pincoin. Ngoài ra, Modern Tech đã từng hứa hẹn rằng sẽ xây dựng một nền tảng quản lý cũng như tạo ra thu nhập thụ động cho người nổi tiếng nhưng thực tế, chúng ta không thấy xuất hiện một nền tảng nào như vậy.
Tại sự kiện mà Modern Tech tổ chức tại Vũng Tàu, dự án iFan đã huy động vốn của những nhà đầu tư với mức giá khởi điểm là 1$ cho 1 iFan. Nó cũng tuyên bố sẽ cho ra mắt ứng dụng nghệ sĩ nhằm phục vụ cho việc thanh toán và mua sắm những album âm nhạc trực tuyến của các nghệ sĩ như Đàm Vĩnh Hưng hay Lệ Quyên. Chưa hết, dự án tiền ảo iFan cũng hứa hẹn có thể dùng để thanh toán phí điện nước trong tương lai.
Và sau đó, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Lam Trường đã post bài đính chính mình không liên quan gì đến dự án này, và cũng không biết mình đã bị “lôi” vào sự việc này từ lúc nào. Mặc dù vậy, công ty Modern Tech tìm mọi cách để quảng bá dự án tiền ảo iFan trên Facebook và các mạng xã hội, cũng như những đầu báo lớn. Họ đã lợi dụng những kẽ hở từ những trang tin và lòng tham của con người để gài bẫy cộng đồng. Và những người đầu tư đã quá nhẹ dạ cả tin, với tâm lý muốn “ngồi mát ăn bát vàng” nên đã dễ dãi, bỏ qua mọi sự đáng ngờ của iFan để bỏ ra một số tiền quá lớn.
Mặc dù những nhà đầu tư có tiếp xúc rộng với lĩnh vực tài chính và sinh sống chủ yếu ở những thành phố lớn nhưng vì không tìm hiểu bản chất của tiền ảo – là một đồng tiền có cấu trúc rất chặt chẽ, có blockchain hẳn hoi và một đồng tiền uy tín rất ít khi thực hiện kinh doanh theo mô hình đa cấp. Lịch sử của Bitconnect vẫn còn đó, nhưng vì kém hiểu biết và lòng tham, cũng như sự nóng vội nên họ đã bị lừa một vố quá khủng và đau đớn.
Có tin đồn rằng nếu ai đó cung cấp thông tin về iFan cho phóng viên sẽ bị “trừ khử” hoặc đe dọa, do đó nhiều người cũng vì đó mà bỏ qua. Nhưng đa phần, người ta vẫn đứng lên để khởi kiện và biểu tình trước cổng Modern Tech. Tuy vậy, số tiền đầu tư đã tan theo mây khói và cho đến giờ, không còn có thông tin mới gì về khoản tiền đã bốc hơi này và những người đứng đằng sau nó nữa.
Lời kết:
Dự án tiền ảo iFan là bài học lớn dành cho những ai đang có kế hoạch đầu tư vào thị trường tài chính, mà cụ thể là Crypto. Hãy tìm hiểu kỹ dự án đằng sau đồng tiền đó, rằng nó có uy tín, đầy đủ pháp lý và cấu trúc có ổn định không để tránh tiền mất tật mang.