Thị trường tiền kỹ thuật số trong năm 2017-2018 là một trong những nơi hấp dẫn và thu hút nhất khi giá của đồng Bitcoin – đồng tiền điện tử đầu tiên tăng vọt. Nhiều kẻ đã lợi dụng đều này để xây dựng những mô hình lừa đảo hết sức tinh vi, và tiền ảo AOC là một cái tên điển hình.
1. Tiền ảo AOC là gì?
Tiền ảo AOC là đồng tiền tự nhận định mình là tiền điện tử, nhưng lại không có chủ, không thể giao dịch và không có blockchain. Tiền ảo AOC được quảng bá bởi một câu lạc bộ có tên là câu lạc bộ AOC. Đồng tiền này thậm chí không có một doanh nghiệp nào đứng ra quản lý.
Vào năm 2018, tiền ảo AOC đã thực hiện hành vi đa cấp lừa đảo tại những tỉnh lẻ của Việt Nam. Đại diện câu lạc bộ này đã cung cấp những thông tin về đồng tiền ảo AOC này như sau:
- AOC đang được thực hiện khai thác bởi một tập đoàn chuyên về khai thác tiền ảo lớn bậc nhất thế giới.
- Bằng những kinh nghiệm và ngân sách khủng chi cho các hoạt động khai thác, marketing và phát triển công nghệ, AOC hứa hẹn sẽ bùng nổ hơn cả Bitcoin.
- Từ 2017-2019, khối lượng AOC có thể thực hiện khai thác là 5,1 tỷ AOC, mỗi năm trôi qua thì khối lượng này sẽ giảm dần và dự kiến đến 2067 sẽ khai thác hết AOC.
- Phương thức khai thác AOC là Proof of Work – tương tự đồng Bitcoin.
Với những thông tin này, AOC trở nên “thật” hơn bao giờ hết, làm giảm đi sự lo lắng của nhà đầu tư. Nhưng thực tế, AOC không hề có giá trị, cũng không phải một đồng tiền điện tử có cấu trúc hẳn hoi mà chỉ là một cái tên đại diện để chuẩn bị cho một kế hoạch lừa đảo bài bản.
2. Không rõ nguồn gốc của tiền ảo AOC
AOC đã từng được lên sóng tại VTV24 với cái tên là đồng tiền vô chủ. Lí do là bởi tiền ảo AOC không có lịch sử giao dịch trên tất cả các sàn giao dịch crypto. Đồng thời, nó cũng không xuất hiện tại CoinMarketCap. Nói chung, AOC không có chủ, không có doanh nghiệp hay pháp lý, cũng không có trang web cập nhật tin tức.
Tất cả thông tin về tiền điện tử AOC đều được “đưa tin” bởi những người dẫn dắt câu lạc bộ tiền ảo AOC tại Bắc Giang. Mặc dù rõ là “ảo” nhưng rất nhiều người vẫn đâm đầu vào đầu tư đồng tiền này. Và họ thường là những người ở tỉnh lẻ, không có hiểu biết về tài chính, cũng không quan tâm thực hư cách đồng tiền này hoạt động. Họ chủ yếu bị thu hút và “chốt đơn” vì lời cam kết lợi nhuận siêu khủng mà câu lạc bộ này vẽ ra.
3. Toàn cảnh sự việc tiền ảo AOC lừa đảo
Bước đầu tiên, câu lạc bộ AOC đã mở ra hàng loạt các sự kiện đầu tư tại Bắc Giang và một số tỉnh thành khác để tuyên truyền về đồng tiền này. Tại đây, ông Nguyễn Tuấn Giảng – chủ tịch câu lạc bộ AOC đã đưa ra những con số mô phỏng tương lai đầy lý tưởng.
Mức lợi nhuận mà AOC dùng để chào mời nhà đầu tư lên tới 180%/năm – con số gấp 20 lần so với việc gửi ngân hàng. Và điều đáng buồn cười ở đây là chính ông Nguyễn Tuấn Giảng sẽ vẽ mô hình đầu tư cho AOC nhưng một mực khẳng định đây không phải mô hình đa cấp. Nhưng rõ ràng, những ai hiểu rõ về đa cấp đều khẳng định đây chính là đa cấp.
Tại sự kiện ở Bắc Giang, một hội trường với hơn 300 người mà chủ yếu là những người lao động hoặc người cao tuổi. Tất cả đều mù mờ về công nghệ chứ đừng nói đến tiền ảo hay tiền điện tử. Vịn vào đó, ông Giảng đã dùng những lí thuyết bịa đặt để thuyết phục. Ví dụ như, đến tháng 5/2018, đồng AOC sẽ đạt 2$/AOC và đến 2020, con số này sẽ lên tới 300$, tức là 150 lần trong 2 năm. Ông cam kết, ai không tin rồi cũng phải tin, rồi sẽ phải mua và đầu tư. Do đó, tại sao không đầu tư sớm nhất có thể, để đồng tiền sinh lời nhiều hơn? Và có những người đã theo ông đầu tư cả tỷ bạc.
Và điều đặc biệt ở đây là ông Nguyễn Tuấn Giảng đã tự nhận mình là giảng viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng là người trong Chứng khoán Nhà nước. Nhưng tất cả đều phủ nhận cái tên Nguyễn Tuấn Giảng này.
Bên cạnh đó, ông Giảng cũng cho biết khi đầu tư với gói lớn thì nhà đầu tư sẽ được tặng hiện vật, sau đó sẽ tặng vàng và những tài sản quý giá khác. Những người tham gia sự kiện không biết rằng AOC là một thứ không rõ nguồn gốc, cũng không có doanh nghiệp đứng ra quản lý, tức là không có trách nhiệm pháp lý. Nhờ vậy, ông Giảng đã thành công trong bước đầu lừa đảo.
Theo thông tin của các cơ quan điều tra thì những đối tượng cầm đầu dự án tiền ảo này đã di chuyển về những tỉnh thành khác, áp dụng mô hình đa cấp để kêu gọi đông đảo người tham gia. Khi người tham gia lôi kéo được thêm nhiều thành phần khác tham gia sẽ được chia hoa hồng cao. Nhưng thực chất AOC đã lấy tiền người sau để trả cho người trước – một mô hình chuẩn Ponzi. Và tinh vi nhất là những người này đã mượn danh câu lạc bộ để hoạt động, chứ không phải doanh nghiệp. Do đó có thể che mắt cơ quan điều tra và tránh kiện tụng pháp lý.
4. Cái kết sự việc
Công an cuối cùng cũng vào việc và bắt giữ 3 đối tượng đại diện cho câu lạc bộ tiền ảo AOC này. Chức danh lần lượt là 2 chủ tịch và 1 tổng tuyến tại Bắc Giang. Tại đây, các đối tượng đã thú nhận rằng mình đã mua trang web có vẻ chuyên nghiệp và thiết kế ra những gói đầu tư khác nhau. Đồng thời, họ cũng đến những tỉnh và địa phương khác nhau nhằm mở rộng và phát triển thị trường, sau đó lấy tiền nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước đó.
Tính đến 2018, đường dây này đã có mặt tại 10 tỉnh thành và lừa đảo được 1400 người tham gia. Và AOC thu được hơn chục tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn bộ con số này đều đã được chia đều cho những “chủ dự án”.
Trước đó, vào năm 2014, ông Giảng cũng đã từng có những hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản và biến mất tại Hà Nội. Năm 2016, ông giữ chức giám đốc đào tạo tại một công ty tài chính Kendy. Và ông bán khóa học với giá 1000$, được tặng kèm một app với vai trò là cỗ máy in tiền, chơi chứng khoán tự động tại Mỹ với cam kết lợi nhuận là 300%/tháng.
Sau sự việc tiền ảo AOC, đã có khá nhiều sự việc lừa đảo khác liên quan đến tiền điện tử, ví dụ như Skymining hay tiền ảo iFan. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người bị mắc lừa, một phần vì thiếu hiểu biết, một phần khác là vì thủ đoạn của những kẻ lừa đảo quá bài bản và tinh vi.
Lời kết
Tiền ảo AOC là một trong những sự việc lừa đảo liên quan tiền ảo nổi tiếng nhất tại Việt Nam vào năm 2017. Sự việc này đã được lên sóng VTV để cảnh báo người dân cả nước. Để tránh bị lừa đảo, trước khi đầu tư, chúng ta cần tìm hiểu kỹ về dự án đó, về công nghệ nó sử dụng cũng như các vấn đề pháp lý khác. Vì nhiều người mượn danh tiền điện tử làm chuyện xấu nên tai tiếng của những đồng tiền này cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.