Nếu bạn đang tìm hiểu các sàn giao dịch chứng khoán để lựa chọn thực hiện các giao dịch thì đừng bỏ qua sàn Upcom. Đây là một sàn giao dịch khá đặc biệt và có nhiều điểm có thể sẽ phù hợp với nhu cầu của bạn. Vậy Upcom là gì? Có nên giao dịch tại sàn Upcom?
1. Upcom là gì?
Upcom là sàn giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa được niêm yết. Đó có thể là cổ phiếu của bất kỳ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần nào chưa đăng ký hay không đủ điều kiện để có thể niêm yết trên các sàn HNX hoặc sàn HoSE.
Upcom (viết tắt của Unlisted Public Company Market) chịu sự quản lý của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), thành lập vào năm 2009, đã tăng từ 10 doanh nghiệp đăng ký ban đầu lên hàng trăm doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp mới phát hành cổ phiếu, không đủ điều kiện lên các sàn lớn thì Upcom là một bước đệm vững vàng.
Doanh nghiệp muốn đăng ký niêm yết trên sàn Upcom phải thỏa mãn ít nhất 2 điều kiện sau:
- Doanh nghiệp không niêm yết tại sàn HOSE và HNX.
- Chứng khoán của doanh nghiệp phải được đăng ký lưu ký ở trung tâm lưu ký (VSD).
Nhà đầu tư khi giao dịch tại sàn Upcom luôn đảm bảo có sự bảo vệ từ pháp luật. Vì đây là giao dịch tập trung, có quản lý. Đồng thời sàn Upcom cũng được yêu cầu thông báo những tin tức mới nhất cho nhà đầu tư, ví dụ như BCTC mỗi năm.
Hiện này, số lượng doanh nghiệp được niêm yết trên sàn Upcom lớn nhất trong tất cả 3 sàn. Cụ thể số lượng này chiếm đến 50%, với khoảng hơn 800 mã.
2. Cổ phiếu tại sàn Upcom:
Sàn giao dịch Upcom phân loại cổ phiếu thành 3 nhóm:
- UpCom Large: là nhóm cổ phiếu của những tổ chức phát hành với vốn chủ sở hữu tối thiểu 1000 tỷ đồng.
- Upcom Medium: là nhóm cổ phiếu của những tổ chức phát hành với vốn chủ sở hữu dao động từ 300 – dưới 1000 tỷ đồng.
- Upcom Small: là nhóm cổ phiếu của những tổ chức phát hành với vốn chủ sở hữu dao động từ 10 tỷ – dưới 300 tỷ đồng.
Dựa trên 3 nhóm cổ phiếu được phân bổ, có thể thấy Upcom chia theo quy mô doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, mặc dù giá cổ phiếu thấp nhưng sẽ có nhiều biến động và cổ đông sẽ có nhiều cơ hội đột phá hơn. Trong khi đó, những doanh nghiệp với quy mô lớn hơn có giá trị hơn, đồng thời duy trì được mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn và ít biến động. Khi quyết định mua cổ phiếu trên sàn Upcom, bạn nên xem xét đến cả yếu tố này.
3. Phương pháp giao dịch trên sàn Upcom:
3.1. Thời gian giao dịch tại Upcom:
Bạn hãy lưu ý thời gian giao dịch trên sàn Upcom, cụ thể: từ 9h đến 11h30 sáng và 13h30-15h chiều.
Đối với phương thức khớp lệnh liên tục tại Upcom, mỗi ngày chỉ có một phiên duy nhất diễn ra vào buổi sáng cũng như một phiên duy nhất vào buổi chiều. Đối với phương thức giao dịch thỏa thuận, người dùng không bị Upcom giới hạn số lần đặt lệnh, cũng không bị Upcom quy định về thời gian, chỉ yêu cầu giao dịch khi sàn hoạt động.
Đồng thời, Upcom cũng không mở cửa vào thứ 7 chủ nhật và những ngày lễ theo quy định.
3.2. Nguyên tắc khớp lệnh tại Upcom:
Nguyên tắc khớp lệnh là cơ sở thực hiện khớp lệnh tại tất cả những sàn giao dịch chứng khoán.
Có 2 nguyên tắc khớp lệnh được thực hiện tại sàn Upcom :
- Ưu tiên về thời gian: Nếu các lệnh khác nhau có cùng mức giá thì lệnh nào đặt trước, được hệ thống Upcom ghi nhận trước thì ưu tiên được thực hiện trước.
- Ưu tiên về giá: Có nghĩa Upcom sẽ ưu tiên những lệnh có giá tốt hơn, cụ thể giá mua cao hơn sẽ được xếp trước, hoặc giá bán thấp hơn sẽ được ưu tiên trước.
Thông thường giá mua hoặc bán sẽ chênh lệnh trên dưới 15% với giá tham chiếu. Giá tham chiếu tính dựa trên giá khớp lệnh liên tục, theo phương pháp bình quân gia quyền ở phiên giao dịch mới nhất. Phụ thuộc vào việc bạn đánh giá lần đặt lệnh đó ra sao mà có thể đặt lệnh tại mức giá trần/sát trần hoặc sàn/sát sàn để sinh lời.
3.3. Đơn vị giao dịch tại Upcom:
Cổ phiếu trên Upcom được chia tách thành những 2 kiểu lô chính:
- Lô chẵn: Là lô giao dịch từ 100 cổ phiếu và chia hết cho 100.
- Lô lẻ: Là lô giao dịch từ 1-99 cổ phiếu. Thông thường tính thanh khoản của các lô lẻ thấp và khó khớp lệnh, vì người mua lô lẻ chỉ có thể khớp lệnh với người bán lô lẻ. Do đó ít ai sẽ đầu tư mua lô lẻ, trừ trường hợp đó là cổ phiếu hiếm hoặc đặc biệt trên thị trường. Đó cũng chính là lí do mà lô lẻ hiếm khi được sử dụng để giao dịch tại Upcom. Đồng thời, thông tin về lô lẻ cũng không được hiển thị trên tài khoản. Nếu khối lượng cổ phiếu giao dịch là 120.098 thì nhà đầu tư tự nhận định có 98 lệnh khớp cho lô lẻ.
Bước giá sàn Upcom được quy định là 100 đồng, có nghĩa là nhà đầu tư có thể đặt giá là 18500, 18600 và không thể đặt 18550 (tương ứng bước giá 50 đồng).
4. Đánh giá sàn Upcom:
Tất cả các sàn giao dịch đều tồn tại những ưu điểm và hạn chế. Chúng ta hãy cùng đánh giá chi tiết về Upcom nhé!
Đầu tiên, Upcom chịu sự quản lý và kiểm soát của trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nên nó đảm bảo về tính minh bạch. Nếu làm một phép so sánh thì có thể đánh giá nó minh bạch hơn OTC và kém hơn HOSE hay HNX
Về biên độ dao động lớn, Upcom có biên độ khá lớn (± 15%), trong khi sàn HOSE có biên độ dao động ± 7% và sàn HNX với ± 10%. Chính vì vậy, giá cổ phiếu trên Upcom có thể tăng gấp đôi khi so sánh với HOSE hoặc giảm gấp đôi. Chính vì biên độ dao động quá mạnh nên người ta thường xem xét Upcom là nơi đầu cơ chứ không phải đầu tư (đầu cơ có nghĩa là mua 1 tài sản nào đó với giá thấp và chờ đợi có người mua với giá cao hơn).
Về tính thanh khoản, như đã đề cập ở trên thì tính thanh khoản của cổ phiếu trên Upcom khá thấp, thậm chí nhiều mã còn không có giao dịch. Tuy nhiên, vì Upcom chiếm đến 50% lượng cổ phiếu khi so với 2 sàn còn lại nên nhà đầu tư vẫn có thể tìm được những mã có phiếu lớn, có lượng giao dịch cao và rất phù hợp với việc đầu tư cá nhân.
Đánh giá chung thì sàn Upcom có độ rủi ro cao hơn, có nhiều hạn chế cao hơn khi so với HOSE và HNX. Tuy nhiên, chính vì có rủi ro nên nhiều doanh nghiệp niêm yết giá thấp hơn nên nhà đầu tư có nhiều lựa chọn và có thể chọn được một món hời. Chính vì vậy, khi giao dịch trên Upcom bạn cần cân nhắc rất kỹ lưỡng, tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp niêm yết trên sàn để tránh những rủi ro có thể gặp phải.
Lời kết:
Để giao dịch an toàn trên sàn Upcom, chúng tôi khuyên bạn không nên lựa chọn những cổ phiếu biến động mạnh mẽ và bất thường, thay vào đó, chỉ nên lựa chọn những cổ phiếu của các doanh nghiệp minh bạch rõ ràng và giá hợp lý. Và trên hết, hãy nắm rõ những thông tin, chỉ số và có riêng cho mình những chiến thuật để tận dụng thời cơ và có mức cắt lỗ hợp lý nhất.