OGSM là gì? Bạn có biết nghệ thuật của chiến lược là phải chia nhỏ được tầm nhìn cấp cao nhất, thành một loạt các bước riêng lẻ xuống cấp dưới để biến nó thành hiện thực. Và OGSM là một khung chiến lược có thể giúp bạn làm được điều này hiệu quả.
1. OGSM là gì?
Khung OGSM là một công cụ được sử dụng để chuyển các mục tiêu chính của người lãnh đạo thành các hành động riêng lẻ xuống nhân viên. OGSM được các công ty sử dụng để đạt được mục đích cuối cùng, và đảm bảo trong quá trình thực hiện, công việc vẫn đang đi đúng hướng chiến lược đó.
Khung OGSM thể hiện là từ viết tắt của Mục tiêu – Objective, Mục đích – Goal, Chiến lược – Strategy, và Đo lường – Measure. Trong mô hình OGSM, bạn bắt đầu với Mục tiêu (thường xoay quanh mục tiêu quan trọng nhất như tầm nhìn) và sau đó sắp xếp các Mục đích nhỏ hơn nhằm đạt được mục tiêu chính, tiếp đó là xây dựng Chiến lược để thực hiện và cuối cùng là các biện pháp Đo lường mức độ.
Mặc dù không hoàn toàn rõ ràng nhưng hầu hết mọi người đều đồng ý rằng OGSM đã được phát triển ở Nhật Bản trong những năm 1950. Kể từ đó, OGSM đã được nhiều công ty lớn sử dụng, chứng tỏ nó có hiệu quả trong việc thực hiện các kế hoạch chiến lược.
Ngoài việc giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chuyển tầm nhìn thành một kế hoạch chiến lược nhất quán cho toàn công ty, khung OGSM còn có thể được các đội nhóm nhỏ hơn sử dụng để lập kế hoạch cụ thể và chuyển Mục tiêu quan trọng nhất thành các nhiệm vụ hàng ngày mà họ sẽ tập trung vào. Nói tóm lại OGSM là một công cụ hữu ích góp phần giúp người dùng đạt được những mục tiêu lâu dài và khó khăn.
2. Các thành phần trong OGSM
2.1. Mục tiêu – Objective
Phần đầu tiên của OGSM là Mục tiêu – Objective. Mục tiêu trong OGSM này giống như tuyên bố Tầm nhìn hoặc sứ mệnh của tổ chức, nói chung đó là một cái nhìn xác định và rõ ràng về những gì doanh nghiệp đang cố gắng đạt được.
Điều quan trọng là Mục tiêu trong OGSM của bạn phải:
- Rõ ràng và dễ hiểu
- Ngắn gọn và dễ nhớ
- Phù hợp với mong muốn của các cổ đông
- Có lồng ghép cảm xúc và hấp dẫn
Hãy nhớ rằng, Mục tiêu của bạn trong OGSM là một tuyên bố lớn, táo bạo, đầy tham vọng về tương lai dài hạn của doanh nghiệp bạn. Bạn cần phải suy nghĩ lớn và thể hiện sự tập trung rõ ràng cho việc tạo lập mục tiêu lớn này.
2.2. Mục đích – Goal trong OGSM
Các Mục đích – Goal trong OGSM là các mục đích cụ thể mà bạn đang cố gắng đạt được. Chúng luôn có thể đo lường được, phù hợp với sự thành công của công ty và được liên kết với Mục tiêu tổng thể phía trên. Hiểu đơn giản là nếu tất cả các Mục đích trong OGSM của bạn đều được đáp ứng, thì Mục tiêu của OGSM có khả năng cao sẽ trở thành hiện thực.
OGSM thể hiện một Mục tiêu với nhiều Mục đích, mỗi Mục đích đều có từng Chiến lược và mức Đo lường cụ thể trong đó.
Giả sử bạn đã có Mục tiêu trong OGSM là biến sản phẩm phần mềm văn phòng chủ đạo của công ty “Trở thành phần mềm thiết kế được yêu thích nhất và được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Tiếp tục làm hài lòng khách hàng với các tính năng thực sự sáng tạo, giúp họ luôn tiên phong trong công việc của mình”. Như vậy, một số Mục đích cụ thể trong OGSM có thể là:
- Doanh thu
- Thị phần
- Sự hài lòng của khách hàng
- Tỷ lệ churn (tỷ lệ khách hàng rời bỏ)
- Phát triển sản phẩm
- …
Các mục đích trong OGSM này luôn phải cụ thể và có thể đo lường được. Vì vậy, khi nhìn vào các lĩnh vực ở trên, bạn không nên có mục đích nào là “Tỷ lệ churn thấp”, thay vào đó bạn sẽ đặt ra “Tỷ lệ churn dưới 1%” chẳng hạn. Còn với Mục đích liên quan đến phát triển sản phẩm trong OGSM, bạn sẽ chỉ định các tính năng cụ thể mà bạn muốn phát triển và triển khai vào một ngày cụ thể nào đó.
Một số ví dụ về cách đặt Mục đích cụ thể và có thể đo lường trong OGSM là:
- Tăng doanh thu của công ty lên 500.000 triệu đồng vào năm 20xx
- Đạt 70% thị phần vào Q4
- Tăng 20 điểm mức độ hài lòng của khách hàng vào cuối năm 20xx
- Giữ tỷ lệ churn dưới 1% so với Q3
- Ra mắt tính năng hàm tính mới vào quý 2 năm 20xx
- …
2.3. Các chiến lược – Strategy trong OGSM
Có vẻ sẽ hơi khó hiểu khi khung chiến lược OGSM lại sử dụng thuật ngữ “Chiến lược” cho một thành phần bên trong OGSM. Chẳng phải tổng thể của tất cả các phần này là bản thân của chiến lược sao?
Thực ra có thể đúng là vậy. Tuy nhiên, là một thành phần trong OGSM, Chiến lược ở đây đề cập đến các dự án, sáng kiến và hành động cần được thực hiện để đi đến thành công của các Mục đích và Mục tiêu tổng thể trong OGSM. Đối với mỗi Mục đích được xác định ở giai đoạn trước, bạn sẽ cần một danh sách các Chiến lược sẽ giúp bạn đạt được Mục đích đó. Thường thì sẽ là một chiến lược 3 – 5 năm cho mỗi Mục tiêu của OGSM.
Các chiến lược trong OGSM đều liên quan đến việc thực thi. Vì vậy, nếu bạn có Mục đích là tăng điểm Sự hài lòng của khách hàng lên 20 điểm, thì các Chiến lược có thể là:
- Tổ chức sự kiện khách hàng.
- Thiết lập các chiến dịch kỷ niệm tự động.
- Triển khai cơ chế khảo sát NPS mới.
- …
2.3. Đo lường – Measure trong OGSM
Phần cuối cùng của OGSM là đo lường, tập trung vào các cách bạn đang theo dõi sự đạt được mục tiêu. Đây là những chỉ số bạn cần đặt ra để xem xét trong quá trình thực hiện kế hoạch OGSM, để luôn cập nhật tiến độ và nhanh chóng đánh giá xem bạn đang đi đúng hướng hay cần khắc phục sự cố hay không.
Bạn cần có các mức chỉ số Đo lường rõ ràng để biết các Chiến lược trong OGSM của mình đang hoạt động và bạn đang đạt được tiến bộ để tiến đến Mục đích hay không. Bằng cách đó, nếu mọi thứ không tiến triển, bạn có thể đánh giá lại các Chiến lược của mình và thử các thay đổi khác nhau để đảm bảo rằng bạn sẽ hoàn thành đúng thời hạn của Mục đích đó.
Nếu chúng ta quay lại ví dụ trước, Mục đích “Tăng mức độ hài lòng của khách hàng lên 20 điểm” có thể có một số mức Đo lường KPI khác nhau, lấy ví dụ Chiến lược “Tổ chức sự kiện khách hàng”, thì bạn có thể theo dõi mức độ thành công của Chiến lược trong OGSM này xem liệu nó có giúp cải thiện điểm số điểm của khách hàng hay không, thông qua:
- Tỷ lệ share.
- Số người đăng ký.
- Số người tham dự.
- Đề cập trên mạng xã hội.
- Các phản hồi sau sự kiện.
- …
Nói chung, đối với từng Mục đích mà bạn đã vạch ra cho đến nay trong OGSM của mình, bây giờ hãy liệt kê tất cả các chỉ số cụ thể mà bạn sẽ cần theo dõi để đánh giá xem các Chiến lược cho từng Mục đích đó có đang hoạt động tốt hay không.
3. Kết
Bất kỳ kế hoạch chiến lược nào muốn thành công, thì kế hoạch đó cần phải dễ truyền đạt (để mọi người biết họ đang hướng tới mục tiêu gì và họ cần phải làm gì) và phải hướng đến nó với tâm thế nhanh nhất. Và OGSM chính là một trong những công cụ giúp bạn làm được điều này một cách hiệu quả.
Vì vậy, bây giờ bạn đã hiểu OGSM là gì cũng như các thành phần cấu tạo nên nó. Hãy thử trải nghiệm và xem liệu đó có phải là giải pháp lý tưởng để cấu trúc chiến lược cho tổ chức của bạn hay không nhé. Chúng tôi hy vọng bạn sẽ thích công cụ OGSM này, và có thể đạt được thành công khi ứng dụng nó.